VỊ THẦY TRÊN HIMALAYA (tt)

Vị Thầy trên Himalaya  (tt)

Sri Madhukarnath Ji
Apprenticed to a Himalayan Master
- A Yogi’s Autobiography

 

Xem mục Vị Thầy trên Himalaya

Mỗi tối sau đó việc tham thiền vẫn tiếp tục. Tôi có vài kinh nghiệm tuyệt vời mà tôi sẽ kể về sau. Nhưng quan trọng hơn là nhiều vị thánh thiện, các linh hồn tiến hóa cao đi vào đời tôi, những sách vở tôi cần phải đọc đã rơi vào tay tôi như thể được tiền định.

3. Chú ngữ Gayatri.
Tôi sẽ khởi sự với kinh nghiệm tuyệt vời đầu tiên của mình.
Không ai, trừ những người thân cận tôi như mẹ và bà tôi, nhận thấy sự thay đổi trong tôi. Tôi trở nên trầm lặng hơn trước, và mẹ thường hay bắt gặp tôi đứng hay ngồi dưới gốc cây mít nhìn lên trời, hay chỉ vào khoảng không. Mẹ cũng hay nói rằng đôi khi tôi nói một ngôn ngữ lạ trong lúc say ngủ. Tuy nhiên mẹ cũng cảm thấy nhẹ nhõm, khi tôi không còn bị cơn ác mộng hành hạ như đã kể ở chương một, la hét và chạy ra khỏi nhà trong giấc ngủ. Con quái vật nửa người nửa ngợm rượt đuổi để bắt tôi đã hoàn toàn biến mất, từ ngày tôi gặp người khách lạ dưới tàng cây mít. Tôi cũng hay đi theo nằn nì bà tôi kể những câu chuyện về các vị thánh, và về người theo phái Sufi. Khi bà đã kể hết các chuyện, tôi không màng khi chúng được thuật lại nhiều lần. 
Tôi bắt đầu cảm thấy được niềm vui sướng lớn lao khi tham thiền trong đêm khuya. Nhiều lần tôi chìm sâu vào giấc ngủ khi đang tham thiền, và có những giấc mơ sống động và nhiều tình tiết. Một số bị lãng quên, còn một số khác vẫn còn để lại ấn tượng sâu đậm trong trí, cho biết các biến cố quan trọng sẽ xảy ra trên hành trình tinh thần của tôi. Một trong những giấc mơ như vậy xảy ra ba tháng sau chuyện ở cây mít.
Tôi mơ thấy một thung lũng xanh tươi tuyệt đẹp có núi cao chất ngất, tuyết phủ bao bọc chung quanh. Dưới chân của một đỉnh núi này có cái hang. Từ trong hang phát ra  lời kinh trầm bổng bằng một ngôn ngữ mà tôi không hiểu. Dù vậy nghe rất là quen thuộc. Tôi tiến đến gần miệng hang và nhìn vào trong. Đó là một cái hang khá rộng. Chính giữa sàn của hang là một lò sưởi trống chung quanh, với ngọn lửa màu cam nhảy múa từ các khúc gỗ đang cháy. Ở cuối hang, trên một sàn được nâng cao, đối diện với tôi và ngọn lửa, là một người đàn ông trung niên có râu và mái tóc dài màu đậm ngồi trên đó. Phần dưới cơ thể người có phủ cái giống như vỏ cây màu nâu, và vắt chéo qua ngực là một sợi dây trắng trông như dây bằng vải.
Người này đang xướng một bài kệ, mà một nhóm con trai nhỏ lập lại, tóc cũng để dài và ăn mặc tương tự với miếng che và dây đeo. Những chú nhỏ này ngồi theo vòng bán nguyệt đối diện với ông và ngọn lửa. Tôi mê mẩn theo bài kệ và đột nhiên nghe mình đang bắt chước theo với một giọng to.
Lời xướng kinh ngưng đột ngột. Cặp mắt của người đàn ông trên bục nhìn về hướng tôi.
– Lại đây nào, anh bạn trẻ, tôi ngạc nhiên là tôi hiểu ông hoàn toàn mặc dù ông nói bằng một ngôn ngữ lạ. Tôi bước hẳn vào hang. Bây giờ thì các đứa bé trai quay đầu về hướng tôi. Tôi thấy mắc cỡ vì tôi đang mặc quần cụt và một áo vest không tay, tóc cắt ngắn. Lũ con trai bắt đầu cười khúc khích và thì thầm với nhau.
– Im ngay, người đàn ông nói to. Các đứa trẻ im tức khắc. Em, ông quay về phía tôi: Xướng kinh đi,
Tôi xướng ngập ngừng biết là mình trật nhịp hoàn toàn.. Mấy đứa con trai lại cười khúc khích nữa.
– Ngừng lại, vị thầy nói. Em đã quên cách xướng cho đúng rồi. Về đi và học cách xướng. Trước khi tôi hỏi, Nhưng học làm sao ? thì giấc mơ tan dần và tôi nghe có tiếng mẹ gọi, Dậy, dậy nào.
Tôi tỉnh dậy thắc mắc về giấc mơ. Hôm đó là Chủ nhật nên tôi mừng vì không phải đi học, tôi có thể thơ thẩn ở vườn sau, vẽ bằng viết chì hay bằng sơn cũng được, hoặc táy máy với các đồng hồ cũ và các dụng cụ vặt vãnh trên gác. Sau bữa ăn sáng ngon lành với appam (bánh trứng sữa chiên của người Ấn Độ), súp khoai tây và trứng chiên, tôi ngồi trên ghế mây và tự hỏi kế tiếp mình làm gì đây.
Ba tôi lấy một góc phòng để làm văn phòng cho ông. Nơi đây ông đặt một bàn làm việc lớn bằng gỗ gõ, với ngăn kéo của bàn thường khóa lại. Tôi đưa mắt vơ vẩn tới cái bàn thì thấy chìa khóa nằm trong ổ khóa,
– Có lẽ ngăn này không bị khóa, tôi nghĩ thầm. tôi luôn luôn tò mò muốn biết trong ngăn tủ đựng những gì. Đây là cơ hội bằng vàng cho tôi. Ba đã đi bác sĩ khám từ sáng sớm, chiếc bàn có vẻ mời mọc quá.
Lẹ làng tôi ngồi vào ghế của ba, táy máy với chiếc chìa khóa. Ngăn tủ mở ra, tôi nhìn vào bên trong. Có đủ thứ giấy tờ, sổ kế toán dầy cộm, hóa đơn, nhiều hộp mực để đóng dấu, cây viết Parker cũ đẹp đẽ và nhiều bút chì tốt. Nhìn chung quanh để bảo đảm không ai nhòm thấy, tôi lục sâu hơn và thấy dưới đống giấy tờ có hai quyển sách. Một cuốn sách nhỏ màu cam tên là Japa Yoga và Gayatri, còn cuốn kia là sách về Yoga nhiều hình ảnh diễn tả, có những hình chụp một người trong các tư thế khác nhau mà tôi nghĩ là các bài tập thể dục.
Sau này tôi biết quyển sách nhỏ là của Swami Chinmayananda, một vị thầy nổi tiếng của Vedanta. Nhưng lúc đó tôi chỉ háo hức với hai quyển sách tìm ra, và phải có cách để lấy chúng với hy vọng rằng ba sẽ không để ý là sách không cánh mà bay.
Đến đây tôi phải nói với bạn một chút về ba tôi. Ngoài công việc hàng ngày là một nhà thầu xây cất, niềm thích thú chính của ông tập cho cơ thể cường tráng (body building exercise), karali payatu (thế võ Malayali đánh tay không, và tự vệ), triết lý của Ấn giáo và xem phim. Ông tốt nghiệp về văn học của  Malayalam ở Kerala University, với triết lý Ấn Độ là môn nhiệm ý.
Ông có sở thích từ lâu về Vedanta hay những đề tài liên hệ, đã tham dự những buổi thuyết giảng của chuyên gia tiếng tăm về đề tài này. Nhưng ông không ngoan đạo, và dấu hiệu duy nhất cho thấy ông có gốc rễ Hồi giáo là cùng các đạo hữu tới dự lễ trong đền thờ Hồi giáo Juma Masjid, mỗi năm hai lần vào lễ Ramzan và Bakri Id. Ngoài ra ông là người vui sống không lỡ bất cứ phim nào mới ra, và trước khi thực hành yoga ông là một người nghiện thuốc lá. Ngay cả trước khi tập yoga, ông dậy lúc sáng sớm để tập thể dục không ngừng trong một tiếng rưỡi đồng hồ, thỉnh thoảng ông còn đánh thức tôi dậy để chỉ vài bài tập đơn giản.
Về hai cuốn sách tìm được trong ngăn bàn của ba thì tôi thích quyển sách nhỏ màu cam hơn là quyển dạy các tư thế tập thể dục. Nhưng tôi quyết định lấy cả hai quyển ra, đóng ngăn kéo và khóa lại, không quên để chìa khóa tại ổ khóa y như trước đó. Nhón bước đi nhè nhẹ về phòng nơi để cặp đi học, tôi nhét hai quyển sách vào cặp rồi đi ra ngoài trở lại, tôi ra sân chơi cho hết ngày, chờ cơ hội thuận tiện để đọc sách.
Chẳng bao lâu sau khi ăn trưa, tôi lặng thinh lấy sách rồi chạy ra vườn sau. Trên đường đi tôi thấy em tôi đang làm bài tập, tức là em sẽ không tò mò gì với tôi. Tới cây mít cuối vườn, ngồi xuống gốc của nó tôi mở sách ra. Và nó có đó, bài kệ mà tôi đã nghe và ráng hát ngập ngừng trong giấc mơ, tôi không đọc được bài viết nguyên thủy bằng chữ Devanagari. Vì chúng tôi chỉ mới bắt đầu học tiếng Hindi ở trường, là học sinh của trường dạy bằng Anh ngữ, tôi có thể đọc dễ dàng phiên âm tiếng Anh như sau:

Om bhur bhuvah suvah
Tat Savitur Varenyam
Bhargo devasya dheemahi
Dhiyo yo nah prachodaya

Bắt chước theo điệu ngân nga trong giấc mơ đêm hôm trước vẫn còn vang trong đầu, tôi cũng có thể xướng đúng theo nhịp điệu, độ cao, lên giọng xuống giọng. Chẳng bao lâu tôi xướng trầm bổng như người trong hang trong giấc mơ, lòng thích thú. Tôi tiếp tục luyện khi nào kiếm được chỗ vắng vẻ, còn khi có người chung quanh thì tôi ngân nga trong đầu. Sách nói bài kệ này là lời cầu nguyện với thần mặt trời để soi sáng trí tuệ. Nhiều năm sau sư phụ giảng giải bài kệ cho tôi. Ngài nói rằng mặt trời tượng trưng cho linh hồn bên trong, là cốt lõi tâm thức của một người, và hàng cuối cùng có thể dịch chính xác hơn như là “khích động tuệ giác của tôi’.
Điều duy nhất trong quyển thứ hai đã làm tôi chú ý là hình ngồi tréo chân gọi là Padmasana - thế liên hoa. Trong một cuốn sử ký bằng hình cho trẻ em, tôi có thấy một bức vẽ Đức Phật ngồi như vậy. Tôi thấy tập ngồi theo tư thế này rất là dễ và sẽ bí mật làm vậy, tưởng tượng mình là Phật. Một hôm mẹ bắt gặp tôi ngồi theo thế Padmasana trên cái thùng gỗ trong phòng chứa đồ. Mẹ hỏi
– Ai dạy con ngồi như thế ?
Tôi đáp.
– Không ai cả.
– Đó là yoga, bà nói vậy rồi đi ra.
Vì ba không hề hỏi tôi về hai cuốn sách, tôi cho rằng ba không biết việc mất chúng. Nhưng tôi thì luôn đợi dịp để trả chúng lại chỗ cũ vì không cần chúng nữa. Cơ hội đến khi ngày kia tôi thấy chìa khóa lại nằm ở ổ khóa. Không thấy ai chung quanh, tôi yên lặng mở ngăn tủ đặt lại hai cuốn sách vào y chỗ như xưa, rồi thở phào nhẹ nhõm. Tôi tưởng là ba không hay biết việc gì đã xảy ra, nhưng thật là sai khi nghĩ vậy. Một hôm lúc ăn sáng, ba nói.
– Hai quyển sách con lấy ở bàn của ba để đọc thì chỉ có thể hiểu nổi với sự giúp đỡ của một người thầy. Đừng tập bất cứ cái gì mà không có sự chỉ dẫn đúng đắn. Nếu muốn tập yoga con nên gặp thầy Sharma ở East Fort (Thành Đông), sáng mai thầy đến đây để chỉ c ba tập yoga.
Tôi mừng quá, đáp ngay.
– Dạ.
Thế là hôm sau tôi gặp thầy Sharma, ông thuộc giai cấp Brahmin, tuổi trung niên, mặt nhẵn nhụi không râu, sẵn lòng dạy tôi các tư thế và phép thở theo yoga - yoga asana và pranayama. Trong vài tháng tôi tập một cách dễ dàng. Ngày kia vô tình tôi nghe thầy nói với ba:
– Thằng bé làm rất khá, nó sẽ tiến bộ lắm nếu tập hàng ngày.
Tôi bắt đầu yoga từ đó, và luyện một số tư thế yoga asana lẫn tập thở ít nhất nửa giờ đồng hồ mỗi ngày ngay cả bây giờ. Tôi cho là sức khỏe tốt của mình, sức chịu đựng, tâm hồn phấn chấn là nhờ vào việc tập yoga.

4. Gặp mặt Yogi Gopala Saami.

Bây giờ tôi sẽ kể bạn nghe về buổi gặp gỡ một linh hồn tiến hóa cao cả, nơi người cư ngụ không xa nhà tôi là mấy. Khoảng thời gian đó tôi vừa học xong lớp năm, trường Holy Angels Convent lại không nhận nam sinh học lớp cao hơn, nên tôi phải vào The Model High School.
The Model High School được ông Clarke  người Anh lập ra, và thành trường chính phủ sau khi Ấn Độ độc lập. Trường được xây như trường trung học tư ở Anh với gạch đỏ, đá hoa cương và sân trường rộng lớn. Đây là trường cho nam sinh, có tiếng không những về dạy giỏi mà còn do chương trình phong phú về âm nhạc, kịch nghệ, họa và thủ công nữa.
Trường cách nhà tôi khoảng ba, bốn km nên tôi nằm trong nhóm đông học sinh đi bộ đến trường mỗi ngày, rất vui thích khi đi với nhau. Có hai nam sinh trong nhóm lớn tuổi hơn tôi, ở cách nhà tôi nửa km. Đó là hai anh em, họ là bạn tốt dù họ quá coi trọng việc học. Họ thuộc gia đình nói tiếng Tamil đến lập nghiệp từ tiểu bang bên cạnh là Tamil Nadu.
Cha của họ là một viên chức nhỏ trong sở cảnh sát, đã về hưu, tên là Ananthanarayana Pillai và mẹ là người rất đáng mến. Người anh lớn là Marthanda Pillai được gọi là Periya Thambi (Tí Lớn) ở nhà, đứa em tên là Sivananda Pillai được gọi là Chinna Thambi (Tí Nhỏ). Marthanda học rất giỏi sau này là một bác sĩ chuyên khoa thần kinh, có một thời gian là trưởng khoa của phân khoa giải phẫu thần kinh ở Trivandum Medical College and Hospital. Nay anh có một nhà thương riêng đa khoa là Ananthapuri, nằm ở ngoại biên Trivandum. Sivananda thành một kỹ sư và khi về hưu là một kỹ sư cao cấp của ngành điện lực của chính phủ tiểu bang Tamil Nadu. Đây là việc đáng nể, vì hồi đó họ không có điện trong nhà, và làm bài tập nhờ ánh đèn dầu tù mù.
Gia đình của hai bạn sống trong căn nhà nhỏ nằm trong khoảng đất rộng, một phần của khu đất biến thành tiệm gỗ chuyên bán củi. Ông Ananthanarayan mở tiệm gỗ sau khi về hưu, vì thời đó mọi người dùng củi để nấu bếp. Mới đầu chúng tôi chỉ biết họ vì tới mua củi ở tiệm. Nhưng sau này chúng tôi khám phá ra là họ đến từ quận Kanyakumari ở tiểu bang Tamil Nadu, nơi ông ngoại của mẹ sinh sống, và hai nhà có biết nhau.
Tình bạn trở nên khắn khít hơn bởi tôi đến nhà họ gần như mỗi ngày, gặp hai anh em Thambis rồi đi bộ đến trường và về chung. Mẹ của họ tốt bụng và bà rất yêu mến tôi. Lúc đó tôi là một thằng bé trắng trẻo với đôi má bầu bĩnh. Tôi vẫn còn nhớ bà tỏ ra lo lắng khi thấy hai má tôi đỏ ửng lúc đi tới nhà bà vào buổi sáng, bà lấy mấy ngón tay xoa má tôi rồi nói với con gái.
– Aivyo, nhìn hai má đỏ ửng như hai trái cà chua kìa, tội nghiệp chưa.
Ông Ramaswamy là người làm cho tôi gặp Gopala Saami.
Khi còn ở trường The Holy Angels Convent tôi học giỏi Anh ngữ, Sử ký và Khoa học nhưng không thích Toán. Vào trường mới các môn học khó hơn, tôi bị lúng túng với Toán, ông Ramaswamy nhận dạy kèm toán cho tôi vì ông yêu thích toán hơn là vì số tiền công nhỏ, mà thầy ngần ngại nhận để phụ thêm vào lương chính của thầy. Có sắp xếp là mỗi tuần ba lần tôi đến nhà Pallai vào buổi tối.
Một tối, ôm tập sách trên tay, tôi đi tới học và thấy thầy Ramaswamy đứng ngoài cửa, thầy nói hôm nay nghỉ học, bảo thầy có chuyện phải làm và hỏi tôi trở lại ngày mai được không,
– Dạ được,  tôi trả lời, mừng là có thể về nhà chơi đùa, nhưng Periya Thambi và Chinna Thambi đâu ?
– Chúng đang ở trong nhà làm một vài chuyện.
Tôi hóa thắc mắc. Có chuyện gì lạ đang xảy ra. Từ trong nhà tỏa ra hương thơm nồng của nhang. Lúc đó, Syamala, ba mẹ của cô và Chinna Thambi từ trong nhà bước ra, ai cũng nói chuyện khe khẽ với nhau. Tôi quyết định hỏi thẳng.
– Có mùi nhang. Có chuyện gì vậy ?
Yên lặng, mọi người nhìn nhau cuối cùng bà mẹ lên tiếng.
– Saami đến rồi, cháu muốn gặp không ?
Saami là chữ gọi chung cho người thuộc giai cấp Brahmin. Ngoài ra ai đã khấn nguyện, mặc đồ đen đi hành hương lên đồi Sabari cũng được gọi Saami, Ayyappa Saami, tôi không biết vị này thuộc về Saami nào nhưng cũng muốn vào gặp. Tôi trả lời ngay.
– ‘Dạ’.
Ông Ananthanarayan nói 
– Đợi đã, rồi đi vào trong. Vài phút sau ông trở ra nói. ‘Vào đây’. Tôi bước vào. Ngay giữa căn phòng nhỏ một ông già thân thể to lớn ngồi trong ghế bành, chân gác trên ghế nhỏ để chân. Ông mặc áo ngắn tay có sọc xanh và trắng cùng với váy mundu (váy dài tới chân cho đàn ông Ấn Độ) màu trắng không có viền. Tôi đứng đó nhìn ông kỹ. Tóc muối tiêu của ông cắt rất ngắn, khuôn mặt nổi bật với chiếc hàm vuông cho cảm tưởng như lâu rồi ông chưa cạo râu. Râu lún phún đã mấy tuần che phủ cằm, má và môi trên. Mọi thứ đều thấy bình thường ngoại trừ thế ngồi thẳng băng uy nghi. Và rồi tôi nhìn thấy mắt ông, tôi chưa bao giờ thấy một đôi mắt có sức xuyên thấu như vậy.
Tôi không chủ tâm mà sờ vào quần áo của mình để xem nó có còn trên người không, vì tôi có càm giác như mình đang được chụp quang tuyến X. Đôi mắt nhìn thấu lòng tôi, xuyên qua người và tôi nghĩ.
– Trời, ông này thấy hết mọi bí mật của mình.  Ông mỉm cười nói:
–  Varu, lại đây.  Giọng nói êm dịu không ngờ, tôi tiến lại sát hơn, đứng gần đụng vào tay ghế. Ông tiếp tục mỉm cười rồi vươn bàn tay phải ra sờ nhẹ lên trán tôi một giây phút ngắn xong lấy tay về.
Những đợt sóng an lạc không thể tả phát ra từ trán trùm hết cơ thể tôi. Cảm giác này khác với kinh nghiệm tôi có gần như mỗi đêm. Cách duy nhất tôi có thể tả là nó như những đợt sóng gào ngoài biển đột nhiên tĩnh lặng, và mặt biển trở nên êm ả như mặt hồ không gợn sóng lăn tăn. Tôi không nghe một tiếng động nào từ bên ngoài. Sâu trong đầu tôi vang lên một bài kệ mà tôi không hiểu. Nước mắt bắt đâu từ mắt tôi rơi lã chã. Tôi phải ra ngồi một mình ở đâu đó. Tôi quay người rón rén đi ra khỏi phòng. Bất ngờ có ai nói phá tan sự yên lặng:
– Cúi xuống, sờ vào chân ngài.
Lúc đó tôi đã ra gần đến cửa, nên tôi lẹ làng chạm ngưỡng cửa rồi chạm vào đầu mình, như thấy người khác làm rồi bỏ chạy mất.
Tôi không hề gặp người đàn ông này nữa. Tôi nhớ mình chạy thật nhanh và về nhà chỉ trong vài phút. Không ai thấy tôi vào nhà. Men theo đường bên hông tường nhà tôi vội vàng tới cây mít của mình và ngồi xuống bên dưới nó. Khi ấy niềm hoan lạc đã dịu bớt, nhưng sự yên lặng lạ lùng còn tiếp tục một lát cho đến khi bị mẹ tôi phá vỡ. Mẹ kêu to từ cửa sau.
– Sao, không có học thêm à ?
– Không, tôi kêu to đáp lại.
– Vào đây ăn chút gì này, mẹ nói.
– Dạ, tôi thưa. Mẹ rất thích nấu cho tôi ăn.
(còn tiếp)